ĐÃ CÓ NỀN TẢNG
Theo đánh giá của Sở Công thương, đa phần dự án đầu tư trong 5 năm trở lại đây đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng và sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu… Từ cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch ngành đóng tàu Việt Nam và KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) được chọn nằm trong vùng quy hoạch này. Trên cơ sở đó, nhiều DN ngành đóng tàu đã đầu tư đổi mới công nghệ, hàng năm xuất xưởng nhiều con tàu giá trị lớn như Công ty CP Công nghệ Việt Séc, Công ty TNHH Vard Vũng Tàu, Công ty Strategic Marine, Công ty đóng tàu Việt Úc, Công ty đóng tàu Sài Gòn… Ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vard Vũng Tàu cho biết, Công ty đặt mục tiêu xây dựng một nhà máy có thể đóng những con tàu chuyên dụng hiện đại. Do đó, công ty đã tập trung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, trong đó có cầu cảng phuc vụ tàu trọng tải lên tới 7.000DWT và ụ nổi dùng để hạ thủy tàu có chiều dài 120m, chiều rộng lòng 32m và có sức nâng 7.500 tấn. “Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã bàn giao 11 tàu các loại cho khách hàng Mỹ, Na Uy, Úc, Singapore. Hiện Công ty đang thực hiện 6 đơn hàng đóng tàu, doanh thu của công ty đạt 1.000 tỷ đồng/năm”, ông Trần Thanh Bình cho hay.
Trong những năm qua, tỉnh đã lựa chọn được 12 dự án sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có sức lan tỏa thu hút công nghiệp hỗ trợ và các dự án khác. Tổng vốn đăng ký của các dự án này đạt 224,41 triệu USD và hơn 26.870 tỷ đồng, gồm: Nhà máy sản xuất hợp chất Zirconium Việt Nam; Nhà máy sản xuất khí công nghiệp và khí y tế Linde Việt Nam; Nhà máy sản xuất sợi, vải Haosheng Vina; Nhà máy sợi Dunatex; Xưởng pha trộn hóa phẩm chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp dầu khí; Nhà máy dệt TahTong Việt Nam; Công ty TNHH Bột mì CJ-SC Toàn Cầu; Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời; Nhà máy chế biến khí Nam Côn Sơn 2…
Đồng chí Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025 với mục tiêu là phát triển công nghiệp nhanh, bền vững, tập trung về chất, đưa BR-VT trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. “Ngoài ra, tỉnh đã có quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Có thể nói, đến giai đoạn hiện nay, quy hoạch ngành công nghiệp trên địa bàn đã đáp ứng được định hướng chung của tỉnh “đi trước đón đầu”, phát triển công nghiệp công nghệ cao, mạnh về kinh tế biển”, đồng chí Bùi Thị Dung cho biết thêm.
KIÊN QUYẾT TỪ CHỐI CÁC DỰ ÁN CÓ CÔNG NGHỆ LẠC HẬU
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Phước Lễ phân tích, lợi thế lớn nhất của BR-VT là cảng biển. Ðây sẽ là động lực để địa phương phát triển các ngành khác, mà trọng tâm là logistics và công nghiệp. Kể từ nay, BR-VT không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu mà những tiêu chí về công nghệ, môi trường sẽ là những yếu tố quyết định, tập trung thu hút vốn vào các lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng và không ảnh hưởng đến môi trường. Ðó là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sử dụng công nghệ cao.
Đồng chí Bùi Thị Dung cũng khẳng định, tỉnh đã có sự thay đổi toàn diện, cả trong cách tiếp cận, mời gọi và thu hút đầu tư. Nếu trước đây, tỉnh tập trung vào những DN, tập đoàn lớn thì nay sẽ chú trọng hơn đến các DN vừa và nhỏ trên các lĩnh vực cơ khí, điện – điện tử, hóa chất – nhựa. Nhưng tất cả các dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bảo đảm các chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Các KCN chuyên sâu phục vụ các dự án công nghiệp công nghệ cao cũng đã được tiến hành xây dựng theo mô hình khu công nghiệp đô thị, không chỉ có hệ thống nhà xưởng phục vụ sản xuất mà có cả hệ thống dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người lao động, bao gồm cả y tế, giáo dục, ngân hàng… như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đá Bạc, KCN Sonadezi Châu Đức. Trong 5 năm tới, ngành Công thương sẽ phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 7,6%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10%/năm; giá trị xuất khẩu (trừ dầu khí) đạt 19,8 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm; đồng thời chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và kết nối chuỗi sản xuất bên ngoài, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư các dự án lớn, công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh và lan tỏa, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; không thu hút các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều lao động phổ thông, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đồng thời hạn chế việc đầu tư các dự án nằm ngoài KCN, CCN.
Mục tiêu mà Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chất lượng cao chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các DN ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng đạt 70% tổng giá trị sản phẩm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Bài ảnh: LAM GIANG