Trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành cơ khí luôn phải giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, ngành này dường như đang bị lãng quên, dù đã được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Nhiều mục tiêu phát triển cụ thể đã có từ gần 15 năm trước (Quyết định 186 vào năm 2002), song cho đến nay, so về hiệu suất công nghiệp, ngành cơ khí Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia. Khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí chỉ đạt 32,1%.
Khó trăm bề
Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trước đây, sẽ có 8 nhóm sản phẩm trọng điểm được chú trọng phát triển. Bao gồm thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ ngành xây dựng, đóng tàu và thiết bị điện. Nhưng cho đến nay, chỉ có công nghiệp đóng tàu và chế tạo thiết bị điện thực hiện được định hướng chiến lược. Còn các nhóm ngành khác vẫn đang ì ạch. Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy cơ khí cũng đã tạm ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho biết công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn còn đơn giản, lạc hậu, trình độ kém hơn khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Mặt khác, phần lớn thiết bị qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu vốn để đầu tư đổi mới, nâng cấp.
Cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí và vài chục ngàn cơ sở sản xuất cơ khí. Trong đó, có khoảng 50% doanh nghiệp chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại chủ yếu là các cơ sở sửa chữa. Không chỉ gặp trở ngại về công nghệ và thiết bị, các doanh nghiệp này cũng đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.
Cụ thể, thời gian qua, lãi suất được điều chỉnh liên tục khiến nhiều doanh nghiệp cơ khí phải “hụt hơi” sửa đổi dự án để có mức lãi phù hợp. Tuy nhiên, do lợi nhuận của các công ty này cao nhất chỉ khoảng 5%/năm, nên khó có thể tìm được nguồn vốn. Trong 10 năm qua, chỉ có khoảng 8 dự án được cấp vốn vay ưu đãi với mức lãi suất khoảng 11,4%/năm.
Giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí |
Trong khi đó, ở một số nước như Nhật hay Hàn Quốc, để xây dựng ngành công nghiệp cơ khí, chính quyền sẽ tiên phong đầu tư công trình, sau đó mới cổ phẩn hóa, tư nhân hóa để tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của toàn ngành. Đồng thời, ngành cơ khí cũng cần đội ngũ lao động tay nghề cao.
Thế nhưng hiện nay, có không ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, nhất là thợ có tay nghề cao. Lý do là hệ thống giáo dục chưa chú trọng đến việc đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí.
Không chỉ vậy, đầu ra cho sản phẩm cơ khí của Việt Nam cũng bị “tắc” ở thị trường nội địa, mặc dù nhiều sản phẩm tương tự lại đang được nhập khẩu. Chẳng hạn đối với mặt hàng cẩu trục, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina đã sản xuất và xuất khẩu được 20 chiếc sang Indonesia hồi năm ngoái. Nhưng tại thị trường Việt Nam, họ chỉ tiêu thụ được 1 chiếc. Không có khách hàng dẫn đến việc các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa. Kéo theo đó là sự trì trệ của ngành cơ khí.
Đãi ngoại, bỏ nội
Theo tính toán, đến năm 2055, doanh thu từ ngành cơ khí của Việt Nam có thể lên đến gần 300 tỉ USD. Tuy vậy, theo lập luận của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, thị phần ngành cơ khí nhiều khả năng sẽ rơi vào các tập đoàn đầu tư nước ngoài.
Hiện nhập siêu ngành cơ khí là khá lớn, trong đó giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỉ lệ cao. Nếu năm 2006, ngành cơ khí nhập khẩu 8,7 tỉ USD thì tới năm 2015, con số này đã là 26,53 tỉ USD. Mặt khác, các tập đoàn cơ khí quốc tế cũng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, khi tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành này hiện là 2,1 tỉ USD.
Thực tế này được giải thích bởi tư tưởng đãi ngoại, bỏ nội đối với các sản phẩm cơ khí. Dù nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ chấp nhận sản phẩm cơ khí nội địa do giá bán và chất lượng phù hợp, nhưng đối với lĩnh vực đấu thầu thì khối ngoại vẫn thắng thế.
Công ty Sáng Ban Mai dù là nhà sản xuất tổ máy phát điện công suất 2.500 KVA xuất khẩu đi một số nước, nhưng vẫn bị phân biệt ở thị trường Việt Nam. Sản phẩm tổ phát điện của doanh nghiệp này có công nghệ tương đương với các nước, lại có giá bán rẻ hơn 15-40%, nhưng phần lớn chỉ bán được cho những công trình tư nhân. Với những dự án có vốn đầu tư công thì Công ty gần như “bó tay” chỉ vì lý do là hàng nội.
“Khi tham gia đấu thầu, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn còn buộc chúng tôi nhập khẩu sản phẩm máy móc, thiết bị từ các nước châu Âu hoặc G7 mới được”, đại diện Công ty Sáng Ban Mai cho biết.
Khó có thể nói rằng chất lượng thành phẩm cơ khí Việt Nam thua kém, dù công nghệ tương đương. Ðiều này có thể chứng minh qua việc doanh nghiệp nước ngoài thuê các công ty cơ khí Việt Nam gia công theo thiết kế và thương hiệu của họ, rồi bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với giá gấp đôi giá thành sản phẩm cùng loại.
Điển hình là trường hợp của Công ty Tonia chuyên gia công sản xuất lò sấy công nghiệp với thương hiệu Nhật bán tại thị trường Việt Nam và các nước khu vực, giá tương đương với sản phẩm nhập khẩu. Rõ ràng, không phải doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thiếu năng lực sản xuất. Nhưng có lẽ họ vẫn chưa có cái nhìn tổng thể để phát triển từ thiết kế, sản xuất đến xây dựng thương hiệu.